Theo báo cáo của Akamai, một mạng lưới chuyên cung cấp nội dung Internet ở Mỹ, tốc độ trung bình của Internet Việt Nam đang giảm khoảng 21% so với năm 2011.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, do các doanh nghiệp Internet thực hiện tối ưu hóa băng thông nên đã làm ảnh hưởng đến phép đo tốc độ trung bình theo bình quân địa chỉ Internet của Akamai.
Tốc độ Internet Việt Nam: Akamai bảo giảm, Speedtest nói tăng
Báo cáo tốc độ mạng Internet Q3/2012 của Akamai cho thấy Việt Nam có tốc độ Internet bình quân là 1,3 Mbps (đứng thứ 49/54 quốc gia được khảo sát), thấp hơn mức trung bình 2,8 Mbps của thế giới. Kết quả thống kê của Akamai dựa trên gần 4,7 triệu địa chỉ IP xuất phát từ Việt Nam. Trong đó, Việt Nam có 5,07% kết nối mạng có tốc độ nhỏ hơn 256 Kbps; 1,17% kết nối mạng tốc độ lớn hơn 4 Mbps và chỉ có khoảng 0,03% kết nối mạng lớn hơn 10 Mbps. So với 12 nước trong khu vực Châu Á được khảo sát, Việt Nam chỉ đứng trên Ấn Độ (1,0 Mbps) và Indonesia (1,2 Mbps).
Cũng theo Akamai, báo cáo tốc độ mạng Internet Q4/2011 cho thấy, Việt Nam có tốc độ Internet bình quân là 1,664 Mbps, còn trong báo cáo năm 2010, tốc độ mạng lại đạt mức 1,7 Mbps. Như vậy, tốc độ Internet trung bình của Việt Nam năm 2012 giảm 21% so với năm 2011 và giảm 30% so với năm 2010.
Khảo sát của Akamai không nhằm tìm ra kỉ lục về tốc độ kết nối Internet trên thế giới, mà hướng đến việc xếp hạng tốc độ kết nối trung bình - tức mức tốc độ mà toàn dân ở một quốc gia đang được sử dụng. Tiêu chí đánh giá của Akamai dựa trên địa chỉ IP có kết nối vào mạng truyền nội dung của họ.
Còn theo trang web NetIndex (trang web thống kê dựa trên kết quả đo của Speedtest.net), tốc độ tải xuống Internet Việt Nam (từ 26/1/2013 đến 24/2/2013) đang ở mức 9,90 Mbps, đứng thứ 55 trên tổng số 180 quốc gia trên thế giới) và tải lên đạt 7,38 Mbps (đứng thứ 27/180 quốc gia). Kết quả này dựa trên hơn 1,2 triệu địa chỉ IP Việt Nam qua hơn 3 triệu lượt đo tốc độ. So với thời điểm tháng 5/2012, tốc độ tải xuống của Việt Nam trên Speedtest cũng tăng từ 8,04 Mbps (đứng thứ 54 trên tổng số 180 quốc gia trên thế giới) lên mức 9,90 Mbps.
Căn cứ theo số liệu của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tháng 11/2012, tổng băng thông kênh kết nối quốc tế của Việt Nam vào khoảng 346.997 Mbps, tổng băng thông kết nối trong nước ở mức 460.374 Mbps. Hiện số lượng người dùng Internet sau khi quy đổi thuê bao ADSL và cáp quang của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet đạt khoảng hơn 31,3 triệu thuê bao. Chia bình quân, tốc độ trung bình mỗi người dùng tăng 0,002 Mbps so với cùng kì năm 2011. Nhưng không ít ý kiến nghi ngờ kết quả này chỉ mang tính chất tương đối vì số thuê bao thật của các ISP thì chỉ có từng ISP biết và cũng giống như câu chuyện bên lĩnh vực di động khi số lượng thuê bao và dung lượng băng thông báo cáo bị "khai vống" lên.
Kết quả của Akamai không phản ánh thực chất tốc độ Internet Việt Nam?
Đại diện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đều cho rằng trong năm 2012, những đơn vị này đều tăng cường băng thông đi quốc tế để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Cụ thể, như với VNPT, đơn vị này đang có khoảng 160 Gbps băng thông quốc tế, dự kiến tăng lên khoảng 270 Gbps (vào năm 2015), 500 Gbps (vào năm 2020). Còn trong năm 2012, FPT Telecom đã nâng cấp băng thông cam kết quốc tế tất cả các gói dịch vụ FTTH với tốc độ truy nhập Internet quốc tế tối thiểu từ 1.152 Kbps đến 3.072 Kbps hay CMC Telecom cũng đã quyết định đầu tư tăng cường băng thông quốc tế lên gấp 2 lần kể từ tháng 12/2012.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực Internet, do các nội dung cơ bản mà người sử dụng truy cập nhiều như đọc tin tức, nghe nhạc… đều do các công ty Việt Nam cung cấp nên ngày càng ít có nhu cầu truy cập đi quốc tế, nhất là đối với những thuê bao Internet mới. "Thậm chí, các dịch vụ do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp như Google đều đặt máy chủ tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ data center nội địa hoặc thuê một mạng lưới Internet có đặt máy chủ ở Việt Nam", vị chuyên gia này cho biết thêm.
Lí giải về kết quả Akamai đưa ra, vị chuyên gia này cho rằng, dù trong báo cáo của Akamai không đưa ra cách tính cụ thể nhưng rất có thể đơn vị này đã đo trung bình bằng cách lấy tổng tốc độ băng thông của Việt Nam đến hệ thống máy chủ của Akamai chia cho tổng các kết nối (địa chỉ IP) xuất phát từ Việt Nam. "Vì thế, càng nhiều thuê bao Internet mới thì tốc độ trung bình càng giảm đi. Như ở Việt Nam, do các thuê bao mới tăng trưởng nhanh, truy cập đi quốc tế ít mà chủ yếu truy cập các nội dung trong nước (đọc tin tức, nghe nhạc) nên băng thông trung bình mà Akamai đo ngày càng giảm đi", vị chuyên gia nói.
Còn đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, dù số lượng băng thông đi quốc tế ngày càng tăng nhưng do câu chuyện tối ưu hóa chi phí nên doanh nghiệp sẽ chỉ sử dụng một phần lượng băng thông đó. Ví dụ như với 2 khách hàng đều sử dụng gói cước 15 Mbps, nếu bình thường các doanh nghiệp sẽ phải cung cấp tổng băng thông 30 Mbps cho 2 khách hàng này. Song kết quả thực tế cho thấy, 2 khách hàng đó chỉ sử dụng tổng băng thông khoảng 17-18 Mbps tại cùng một thời điểm do rất ít xảy ra trường hợp 2 khách hàng này cùng tiến hành tải dữ liệu (download). Vì vậy, các ISP chỉ cần cung cấp tổng băng thông khoảng 17-18 Mbps là đã đủ để đáp ứng yêu cầu của 2 người dùng trên (hay thậm chí nhiều người dùng hơn) nhưng nếu chia trung bình như phép đo của Akamai thì tốc độ chỉ còn cao nhất khoảng 9 Mbps. "Chính vì thế, kết quả đo của Akamai chỉ mang tính tham khảo chứ không phản ánh đúng thực chất tốc độ của Internet Việt Nam", vị chuyên gia này kết luận.
Theo ICTnews
Các tin khác cùng chuyên mục
- Ứng dụng Xổ số Miền Bắc trên thiết bị di động Android
- Bảo dưỡng xong cáp biển AAG, Internet ở Việt Nam trở lại bình thường
- Thủ thuật hữu ích giữ bí mật thông tin cá nhân của bạn trên mạng
- Tháng 10: NASA thử nghiệm việc truyền dữ liệu từ vũ trụ bằng tia laser
- 5 xu hướng tác động chất lượng và năng lực mạng viễn thông năm 2013
- Nguy cơ phá giá, chuyển lậu lưu lượng điện thoại quốc tế chiều về
- VTV dần thâu tóm hết thị trường truyền hình trả tiền
- Trung Quốc bắt đầu tiến hành thử nghiệm mạng TD-LTE
- Trải nghiệm Internet 3G ở Triều Tiên
- Thị trường điện thoại quốc tế chiều về: Vướng chuyện chia thị phần