Sau sự xuất hiện của mẫu X7, Nokia E6 chính là sản phẩm tiếp theo được Nokia giới thiệu ra thị trường Việt Nam với rất nhiều kì vọng. Là đại diện cho một ý tưởng mới của Nokia – bàn phím QWERTY kết hợp màn hình cảm ứng nhưng với kiểu dáng không mới và nhất là nền tảng Symbian, liệu E6 có đủ lôi kéo sự chú ý của chúng ta trước hàng loạt mẫu điện thoại QWERTY khác.
Thiết kế
Là sản phẩm kế thừa sự thành công của dòng điện thoại E-Series trước đây như E71 và E72, Nokia E6 vẫn mang trong mình những nét thiết kế của thế hệ trước. Với kích thước không lớn hơn các đàn anh hay mới nhất là E5, độ dài các chiều của E6 là 115,5 x 59 mm, dày 10,5 mm và trong lượng là 133 gam – có thể chấp nhận được với một chiếc điện thoại có bàn phím QWERTY đầy đủ.
Các đường nét thiết kế đơn giản, với các góc và mặt sau được bo tròn điển hình của Nokia khác hẳn với phong cách thiết kế góc cạnh của X7, E6 có thể không gây ấn tượng ngày từ cái nhìn đầu tiên hay đối với những ai thích sự mạnh mẽ và nam tính.
Nokia vẫn là một hãng sản xuất phần cứng tốt nhất, dù không thuộc hàng đỉnh cao nhưng E6 vẫn được chăm chút về chất liệu với lớp sơn, bộ khung kim loại và tấm kính bảo vệ màn hình Gorilla. Nhắc đến màn hình, đây có lẽ là điểm nổi bật nhất của E6, với kích thước lớn hơn một chút so với đời trước, đạt 2,46 inch và độ phân giải cao VGA 640 x 480 pixel. Nhờ đó mà với việc hỗ trợ 16 triệu màu, hình ảnh hiển thị sắc nét, độ tương phản cao và góc nhìn tốt.
Bên trên màn hình là các cảm biến và máy ảnh phụ dùng cho gọi điện video. Còn bên dưới là nút gọi và kết thúc, cùng 4 nút truy cập nhanh (tới danh bạ, lịch, tin nhắn và màn hình chủ), không còn nút chọn trái và phải nữa vì người dùng sẽ truy cập qua màn hình cảm ứng.
Thiết kế bàn phím QWERTY vẫn không có nhiều khác biệt với 4 hàng phím, có chăng là việc giản lược bớt các phím so với E72, các phím to dễ nhấn và có khoảng cách rõ rệt giữa các phím. Nút định vị 5 chiều được thiết kế nổi hẳn lên với viền mạ kim loại để người dùng dễ sử dụng nhưng cũng rất dễ bị xước nếu không chú ý và phím này cũng không dùng trackpad quang như E72. Mặt trước của máy được phủ một lớp nhựa bóng nên mồ hôi hay chất nhờn từ tay người dùng có thể in dấu lên màn hình và bàn phím.
Cạnh phải của máy bao gồm các phím điều khiển âm lượng, phím kích hoạt ra lệnh bằng giọng nói và nút khóa/mở máy (thường thấy trên những máy có màn hình cảm ứng của Nokia) trong khi cổng kết nối microUSB có nắp đậy ở bên cạnh trái.
Nếu trước đây khe gắn thẻ nhớ được đặt cạnh cổng microUSB thì giờ đã được chuyển lên đỉnh máy, cùng chỗ với nút nguồn và giắc tai nghe 3,5 mm. Đáng tiếc là Nokia vẫn không sử dụng chuẩn sạc microUSB như hầu hết những mẫu điện thoại mới hiện nay nên người dùng sẽ vẫn phải dùng sạc riêng qua cổng sạc 2 mm ở phần dưới máy.
Mặt sau có máy ảnh 8 MP, đèn Flash LED kép và loa ngoài được làm nổi bật bởi một dải kim loại khác màu. Pin của máy vẫn là loại cũ, dung lượng 1500 mAh và được thiết kế có thể tháo rời chứ không phải nguyên khối như trên N9 hay X7.
Nhìn chung thiết kế của E6 vẫn mang truyền thống của Nokia, chắc chắn bền bỉ nhưng sẽ gây khó khăn cho những ai có ngón tay to khi chạm trên màn hình hay khi bấm phím.
Hiệu suất và phần mềm
Sử dụng phiên bản Symbian mới nhất – Anna, giống với X7 các biểu tượng trên máy đã được thiết kế lại cho mềm mại hơn cũng như có nhiều màn hình chủ để người dùng chuyển đổi qua lại.
So với E5 việc điều khiển trên E6 trực quan hơn nhiều nhờ màn hình cảm ứng và với được Nokia tùy chỉnh riêng với màn hình ngang, người dùng có thể truy cập nhanh chóng đến các ứng dụng, ghi chú hay email,… Nhưng ngoài các biểu tượng mới và tăng hiệu suất truy cập, phần giao diện còn lại của Anna vẫn giữ nguyên so với phiên bản trước, menu và thông báo phức tạp, phải truy cập qua nhiều nấc và thiếu khả năng tùy biến. Đây chính là điểm thiếu hấp dẫn nhất của Nokia E6 trước một thị trường tràn ngập các HĐH mới được tối ưu ngay từ đầu cho màn hình cảm ứng như iOS hay Android.
Chưa bao giờ việc lướt web trên Symbian được đánh giá cao nhưng với phiên bản Anna, điều đó đã được cải thiện phần nào với khả năng hỗ trợ Flash, HTML5, tăng tốc phần cứng cùng giao diện thoáng đãng, rộng rãi. Tốc độ tải trang tăng không nhiều nhưng người dùng đã có thể sử dụng các thao tác đa chạm trên màn hình cảm ứng điện dung để phóng to thu nhỏ theo ý thích.
Là một mẫu điện thoại thuộc dòng “doanh nhân” – dòng E-series nên tất nhiên là E6 được trang bị một loạt các ứng dụng để hỗ trợ công việc với một phiên bản đầy đủ của Quick Office, PDF Reader và F-secure để giữ mọi thông tin được an toàn. Ngoài ra các ứng dụng hỗ trợ truy cập mạng xã hội phổ biến như Facebook hay Twitter cũng được tích hợp để người dùng nhanh chóng cập nhật tại một nơi duy nhất. Việc điều hướng với hướng dẫn bằng giọng nói nhờ GPS và la bàn kĩ thuật số là hoàn toàn miễn phí với giao diện đơn giản nhưng hiệu tốc độ làm việc chưa cao.
Hiệu suất sử dụng tổng thể của máy đã được cải thiện với phiên bản Symbian Anna nhưng với một bộ xử lý tốc độ thấp (680 MHz) và bộ nhớ RAM khiêm tốn (256 Mb) sự tụt hậu của E6 so với các đối thủ là điều đương nhiên. Pin theo máy có dung lượng 1500 mAh cho thời gian sử dụng khoảng 2 ngày - kém hơn so với thế hệ trước nhưng tạm ổn với các mẫu điện thoại thông minh hiện nay.
Máy ảnh, đa phương tiện và kết nối
Tư tưởng bảo thủ của Nokia đã khiến E6 không được trang bị một máy ảnh có tiêu cự tự động (Auto Focus), thay vào đó là loại lấy nét cố định (Fixed Focus) như trên X7. Điều đó có nghĩa là khả năng chụp gần đã bị hạn chế đi rất nhiều (nhất là ở khoảng cách dưới 20 cm). Chất lượng ảnh chụp ở mức trung bình, chi tiết nhưng màu sắc chưa được thực cho lắm.
Có nhiều tùy chọn cho việc chụp ảnh, nổi bật là khả năng nhận diện khuôn mặt cùng thiếp lập cân bằng trắng, độ nhạy sáng và độ phóng đại chỉ ở mức 2X. Nokia E6 còn cho phép quay phim HD 720p ở 25 fps nhưng chất lượng cũng không tốt hơn chụp là mấy, hình ảnh đôi lúc còn bị giật. Sau khi hoàn thành tác phẩm của mình người dùng có thể sử dụng ứng dụng chỉnh sửa có sẵn trong máy cho một số thao tác đơn giản như cắt, xoay, ghép khung hay chèn hiệu ứng và âm nhạc.
Khả năng chơi nhạc của máy là đủ cho hầu hết mọi người với việc hỗ trợ nhiều định dạng và cả FM. Với màn hình bé có lẽ E6 không phải là mẫu điện thoại lý tưởng cho xem phim nhưng bù lại là độ phân giải cao khiến các tập tin video (kể cả HD) khi xem khá chi tiết cùng khả năng tăng dung lượng lưu trữ lến 32 GB qua thẻ nhớ ngoài.
Các kết nối phổ biến đều có mặt trên E6 với 5 băng tần 3G (tốc độ tối đa 10,2 Mbps), 4 băng tần GSM, Bluetooth 3.0 (có A2DP), Wi-Fi b/g/n.
Kết luận
Với một phần cứng tốt, bổ sung yếu tố mới mẻ như màn hình cảm ứng – E6 được kỳ vọng sẽ lấp đầy sự hy vọng của chúng ta về một sản phẩm có thể kế thừa thành công của E71 ngày nào. Nhưng chính HĐH Symbian đã ngăn E6 đến với tất cả mọi người, Anna không đủ sức cạnh tranh với các HĐH khác với một giao diện phức tạp và ít cải tiến. Trừ khi bạn là một người gắn bó với Nokia, đã quen dùng Symbian và sẵn sàng chờ đợi các bản cập nhật tiếp theo cũng như cái giá 7.890.000 thì hãy chọn E6, còn không hãy nghĩ tới các mẫu khác dùng Android như HTC Chacha, Samsung Galaxy Pro với mức giá rẻ hơn và một HĐH tốt hơn.
Ưu điểm
- Màn hình đẹp, độ phân giải cao
- Chất lượng chế tạo tốt
- Bàn phím QWERTY dễ bấm và phản ứng nhanh
Nhược điểm
- HĐH Symbian Anna chậm cải tiến
- Máy ảnh thiếu tự động lấy nét và không có nút chụp nhanh
- Phần cứng khiêm tốn so với mặt bằng chung
- Kiểu dáng chưa có nhiều đổi mới, kích thước màn hình bé
Các tin khác cùng chuyên mục
- Ant Group của Jack Ma hé lộ bước đi đầu tiên trong khủng hoảng
- Ô tô giao hàng tự lái sẽ bắt đầu hoạt động tại California vào năm 2021
- Clip cô giáo phạt học sinh tự ném vỡ smartphone gây tranh cãi
- Tiền điện tử lớn thứ ba thế giới Ripple sẽ bị tạm ngừng giao dịch
- Joe Biden kêu gọi hiện đại hóa hệ thống phòng thủ Mỹ sau vụ tấn công SolarWinds
- Viettel khai trương nền tảng Hồ sơ sức khỏe cá nhân và Mạng kết nối y tế Việt Nam
- Các hãng di động nên ngừng cãi nhau về việc bỏ cục sạc
- Công nghệ AI của Alibaba và Tân Hoa Xã: Đối thủ của người làm báo
- Một năm đáng thất vọng của YouTube trên toàn cầu
- EVN lần đầu diễn tập an toàn thông tin mạng quy mô toàn tập đoàn