Dù đổ nhiều tiền của để lập website nhưng do không có kế hoạch marketing cho web nên nhiều doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường...
Theo đánh giá của các chuyên gia về thương mại điện tử (TMĐT), hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở mọi quy mô khác nhau tại Việt Nam với những hiểu biết nhất định về TMĐT đang đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng website nhằm tiến hành các giao dịch trực tuyến, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là sau khi một website được xây dựng xong và đi vào hoạt động (với chi phí không nhỏ), nhiều doanh nghiệp thường… “ung dung” đặt vào đó nhiều kỳ vọng như website sẽ truyền tải được thông tin đến đối tượng khách hàng mục tiêu, quảng bá được thương hiệu, hình ảnh và thúc đẩy mạnh hơn hoạt động kinh doanh. “Trong thực tế, không hẳn doanh nghiệp nào cũng dễ dàng đạt được mục tiêu mong muốn do chỉ “thả nổi” sự hoạt động của trang web trên mạng Internet, không nhận thức được rằng đặt trong bối cảnh các doanh nghiệp đang cạnh tranh gay gắt như hiện nay, rất cần phải có một chiến lược marketing hiệu quả cho website”, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định. Với kinh nghiệm thực tế gần 10 năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế website TMĐT, ông Bùi Tuấn Nam – Giám đốc Công ty ADC Việt Nam còn chỉ ra hàng loạt hạn chế khác: Chưa nói đến vấn đề phải marketing, mà ngay “sức khỏe” của nhiều website của doanh nghiệp trong nước cũng chưa tốt. Ví dụ, nhiều thông tin trên web không phù hợp, ít cập nhật thông tin hoặc thông tin chưa truyền tải được thông điệp tới khách hàng, khiến khách hàng nắm bắt được rất ít thông tin. Ngoài ra, đó còn là một số lí do khác liên quan đến yếu tố lựa chọn công nghệ khiến website hoạt động chậm trễ, không ổn định và làm cho người đọc dễ dàng bỏ qua khi phải chờ đợi hiển thị quá lâu. Chính vì thế, ông Bùi Tuấn Nam cho rằng, đặt trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp cũng nên tham khảo đến các loại hình hỗ trợ quảng bá website để nâng cao khả năng tiếp thị và tăng cường tính cạnh tranh trên thị trường. Ví dụ như thông qua dịch vụ của “cỗ máy tìm kiếm” Google được người dùng Internet sử dụng nhiều nhất hiện nay là SEO (Search Engine Optimization, tối ưu hóa website dành cho máy tìm kiếm) hay SEM (Search Engine Marketing, cho phép quảng bá web rộng rãi tới máy tìm kiếm). “Việc sử dụng dịch vụ quảng bá web với các từ khóa có thể đảm bảo website của các doanh nghiệp có mặt trong top 10 trang đầu tiên. Tuy nhiên vấn đề còn tùy thuộc vào mức cạnh tranh của từ khóa, cũng như việc điều chỉnh SEO mà thời gian đạt được thứ hạng cao sẽ nhanh hoặc chậm”, ông Nam nhận định, đồng thời cũng khuyến cáo các doanh nghiệp: Mỗi loại hình có những lợi thế khác nhau, vì thế các doanh nghiệp có ý định tìm đến dịch vụ quảng bá web cần nắm thông tin rõ ràng trước khi đăng ký sử dụng dịch vụ nhằm tránh gây lãng phí khi tham gia quảng cáo, đó là việc tìm hiểu kĩ các điều khoản, nguyên tắc biên tập của các công cụ tìm kiếm, chọn lựa từ khóa hợp lý... Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 9/2011, số người sử dụng Internet tại Việt Nam đã đạt 31,7 triệu người. Và theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT, hiện Việt Nam cũng có tới trên 90% người sử dụng Internet thường xuyên sử dụng các công cụ tìm kiếm như Google để tìm hiểu thông tin liên quan đến công việc, giải trí, mua sắm… |
Các tin khác cùng chuyên mục
- Auto like, Auto follow, Auto click, Auto kiếm tiền online
- Internet như cô gái đẹp, nhưng chỉ được nhìn...
- Xây dựng thương hiệu thành công vẫn cần "offline"
- Thiếu nhân lực TMĐT, doanh nghiệp khó ra "biển lớn"
- 5 lời khuyên cho việc tạo và duy trì khách hàng trung thành
- Bán hàng trên mạng sai lầm với cách làm truyền thống
- Instagram dạy cho các nhà khởi nghiệp trẻ điều gì?
- 3 bài học marketing từ vụ thâu tóm Instagram của Facebook
- Đối phó với cạnh tranh và giảm thiểu yếu tố con người trong kinh doanh
- Bộ phận CNTT sẽ giữ vai trò trung gian