Mạo danh dễ dàng
Trào lưu quảng bá thương hiệu trên Internet ở Việt Nam đang tăng nhanh; hàng loạt website gắn liền với tên tuổi của DN đua nhau mọc lên. Ăn theo phong trào này, hacker cũng khởi tạo các trang web mạo danh những thương hiệu nổi tiếng, có nhiều người quan tâm…
Gần đây nhất, đã có người tạo ra website mạo danh siêu thị điện máy Pico (Hà Nội) với những nội dung sao chép giống hệt website thật (www.pico.vn) chỉ khác là đuôi .com. Nhằm thu lợi từ việc mạo danh, website này đã giới thiệu chương trình bốc thăm trúng thưởng với giải thưởng lớn nhất là một chiếc ôtô trị giá cả tỷ đồng!
Theo thông báo trên website chính thức của siêu thị điện máy Pico: Có một website mạo danh thương hiệu Pico và có gọi điện thoại đề nghị khách hàng chuyển tiền để làm thủ tục trúng giải thưởng ôtô. Đây là một hành vi lừa đảo – dựa vào uy tín thương hiệu của DN nhằm trục lợi!
Trước đó, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng gặp trường hợp tương tự với website mạo danh có tên http://tongdai900... Trong tháng 7/2011, trang web này đăng tải các thông tin khuyến mại và hướng dẫn cách nạp tiền cho thuê bao trả trước và trả sau với khuyến mãi lên tới 450%...Viettel đã khẳng định đây là trang web giả mạo, sử dụng trái phép logo và hình ảnh của Viettel. Trên trang web này còn ghi rõ thông tin sai: “Website được xây dựng bởi Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel và Mobifone…”.
Ngoài ra, đã xuất hiện những trang web mạo danh các cơ quan báo chí ở một số tỉnh thành như Cần Thơ, Trà Vinh… Có trang web mạo danh “báo điện tử” của tỉnh, dù tỉnh đó chưa hề có phiên bản báo điện tử.
Luật đã quy định rõ
Nghị định 97/2008/NĐ-CP về lĩnh vực CNTT-TT và Thông tư 14/2010/TT-BTTTT (TT 14) nghiêm cấm các hành vi: "Tạo trang thông tin điện tử (website) giả mạo cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khác; thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân".
Đồng thời, cũng theo TT 14 việc “Sử dụng những thông tin, hình ảnh của cá nhân vi phạm các quy định tại Điều 31, Điều 38 Bộ luật Dân sự” chưa được sự chấp thuận của chủ sở hữu cũng bị nghiêm cấm. Hiện nay, các trang web mạo danh vẫn sử dụng thông tin, hình ảnh của các tổ chức, cá nhân, DN… một cách vô tư mà không cần xin phép…
Doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa được tư vấn – trang bị đầy đủ “công cụ” bảo vệ sở hữu website như bộ hồ sơ hoàn chỉnh về quyền sở hữu trí tuệ đối với tên miền, tài sản trên website (nội dung, kiểu dáng thiết kế web…). |
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người có hành vi lập các trang web mạo danh hoặc sử dụng các thông tin về cá nhân/DN khi chưa được sự đồng ý có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo ghi nhận của Thế Giới Vi Tính B, hiện nay phần lớn các trường hợp mạo danh website thường chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt vi phạm hành chính… Với mức xử phạt khoảng vài chục triệu đồng sẽ không đủ “mạnh” để các hacker từ bỏ “nghề” giả mạo website!
Trong một số trường hợp nếu hành vi giả mạo website gây hậu quả nghiêm trọng; thủ phạm có thể bị xử lý theo Luật Hình sự. Theo Bộ luật Hình sự, nếu người lập trang web mạo danh tung ra những thông tin trái với quy định pháp luật; xuyên tạc hay vu khống về người bị mạo danh sẽ bị truy cứu tội hình sự...
Vai trò của Sở Thông tin và Truyền thông
Theo quy định của nhà nước, Bộ TTTT và các sở TTTT ở các tỉnh thành sẽ quản lý nội dung – thông tin trên Internet. Khi phát hiện có trang web mạo danh website của mình; các DN cần gửi văn bản trình lên Sở TTTT địa phương. Dựa theo hồ sơ đăng ký trang thông tin điện tử (TTĐT) trước đó, DN cần cung cấp cho Sở TTTT địa phương các bằng chứng xác thực về hành vi mạo danh website (hình ảnh, tên miền của website giả mạo…) để tiến hành bảo vệ quyền sở hữu của mình. Thanh tra của Sở TTTT sẽ cùng phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước truy tìm và xử lý các trường hợp mạo danh này.
Truy tìm kẻ mạo danh
|
Khi đề cập đến việc truy tìm tông tích của kẻ giả mạo website; một số cơ quan quản lý nhà nước cho rằng sẽ gặp nhiều khó khăn. Với lý do: website mạo danh sử dụng tên miền quốc tế và thuê chỗ của các dịch vụ máy chủ - đăng ký tên miền ở nước ngoài nên một số cơ quan quản lý Việt Nam không thể xử lý rốt ráo được.
Về mặt kỹ thuật, các chuyên gia an ninh mạng của các Trung tâm Athena, BKAV… đều cho rằng, có thể phát hiện website mạo danh đăng ký tên miền, Hosting (thuê máy chủ đặt website) ở đâu; máy chủ đó đang nằm ở quốc gia nào. Đây là một điều kiện quan trọng để chủ sở hữu gửi đơn khiếu nại – tố cáo đến cơ quan quản lý về thông tin trên Internet ở quốc gia đó.
Mặt khác, theo ý kiến của một cán bộ trong ngành TTTT, việc truy tìm dấu vết của kẻ mạo danh website không phải là không thực hiện được. Cho dù trang web đó Hosting ở máy chủ nước ngoài và che dấu tên chủ sở hữu; cơ quan quản lý nhà nước vẫn có đủ biện pháp kỹ thuật để dò ra thủ phạm.
Ví dụ: Dựa trên hoạt động đăng tải thông tin (upload) lên trang web giả mạo hàng ngày/tháng; nhóm điều tra hành vi giả mạo website sẽ phát hiện địa chỉ trên mạng (IP) của cá nhân/nhóm đang quản lý trang web giả mạo đó… Ở Việt Nam hiện có một số trường hợp truy lùng chủ sở hữu website mạo danh qua địa chỉ IP thành công.
(itgate)
Các tin khác cùng chuyên mục
- Auto like, Auto follow, Auto click, Auto kiếm tiền online
- Internet như cô gái đẹp, nhưng chỉ được nhìn...
- Xây dựng thương hiệu thành công vẫn cần "offline"
- Thiếu nhân lực TMĐT, doanh nghiệp khó ra "biển lớn"
- 5 lời khuyên cho việc tạo và duy trì khách hàng trung thành
- Bán hàng trên mạng sai lầm với cách làm truyền thống
- Instagram dạy cho các nhà khởi nghiệp trẻ điều gì?
- 3 bài học marketing từ vụ thâu tóm Instagram của Facebook
- Đối phó với cạnh tranh và giảm thiểu yếu tố con người trong kinh doanh
- Bộ phận CNTT sẽ giữ vai trò trung gian